Hãy là người chính trực, có vay có trả, hãy sẵn sàng chấp nhận rủi ro, để có được những trải nghiệm quí báu trước khi bước vào những cuộc chơi lớn!
Nhiều người vẫn hỏi tôi, muốn học đầu tư chứng khoán thì nên làm thế nào. Thường câu trả lời của tôi sẽ là: hãy bỏ ra một ít tiền và cứ bắt đầu đi, rồi sẽ học được từ đấy.
Tôi có một người bạn, từng làm trong ngành chứng khoán, hắn không rành bằng tôi trong việc phân tích các con số, nhưng hắn có rất nhiều trải nghiệm thương trường. Hắn gần như là một nhà đầu tư tránh được nhiều lỗi lầm nhất mà tôi biết, và hiển nhiên phần thắng trên thị trường tài chính, thường dành cho những ai tránh được những lỗi lầm.
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy nhiều cuốn sách chia sẻ về kinh nghiệm của những người đi trước, khoá học online / offline cũng nhan nhản khắp nơi, người dạy vô danh có, cực kỳ nổi tiếng có. Nhưng tựu chung, các bài học chỉ thực sự là của bạn khi nó được trải nghiệm bằng những lỗi lầm, lỗi lầm thì đương nhiên đi kèm với nỗi đau. Và tôi xin khẳng định với bạn một sự thật: nỗi đau càng lớn, bài học càng sâu sắc!
Vậy thì làm sao để nhặt nhặn được nhiều bài học thật sâu sắc với một mức “học phí” nhẹ nhàng, lời giải là hãy nhặt chúng khi bạn còn trẻ. Đối với một sinh viên, việc đánh mất 90% của con số 10 triệu trong một sai lầm đầu tư tài chính, sẽ đem lại cho bạn một nỗi day dứt không hề kém, so với một người thành đạt đánh mất cũng 90% của con số 1 tỷ. Hãy dành những đồng tiền dành dụm được từ những bữa ăn sáng, buổi xem phim, để đầu tư; hoặc vay mượn, nếu có thể, để bắt đầu một ý tưởng kinh doanh nào đó. Hãy xác định rằng bạn có thể thất bại từ rất sớm, nhưng hãy bảo đảm rằng bạn nhận được những bài học đầy cảm xúc. Và để có cảm xúc sâu sắc, bạn phải thực sự có trách nhiệm với từng đồng tiền nhỏ ấy, và nếu là người đi vay mượn, bạn phải là người chính trực, để cảm được cái gánh nặng có vay-có trả.
Đừng đợi đến khi có nhiều tiền rồi, mới bắt đầu tập tành chấp nhận rủi ro. Vì khi đó, sẽ là cực kỳ tốn kém để bạn thực sự học được từ một lỗi lầm nào đó.