Bài viết này sẽ chia sẻ hầu hết tất cả các khía bạn về bán hàng trên Amazon, bao gồm các bước từ nghiên cứu thị trường, set-up, triển khai bán hàng…. nên sẽ rất dài. Nhưng tôi tin nếu bạn đọc hết thì nó sẽ mang lại những giá trị về mặt lâu dài cho bạn. Có thể không giúp bạn kiếm được tiền, nhưng có thể giúp bạn tiết kiệm được hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Thị trường Amazon chưa bao giờ dễ xâm nhập, và không phải ai cũng biết điều đó. Rất nhiều trong chúng ta, như tôi và nhiều người bạn khác của tôi đã từng, lao vào nó theo bản năng và đa phần phải nhận những trái đắng vô cùng đáng tiếc. Chúng tôi đã từng có những sản phẩm đứng Top 2 thị trường chỉ sau 3 tháng, đạt doanh thu $60,000 với chi phí quảng cáo chỉ vỏn vẹn 15%, cũng có những sản phẩm phải cay đắng rút lui khi ACOS lên đến 120%. Thậm chí cũng có những anh em phải chấp nhận bỏ lại hàng ngàn SKUs lại kho Amazon và chấp nhận thua lỗ, để lại đằng sau hàng tỷ đồng đầu tư vào sản phẩm & logistics cùng hơn 1 năm cố gắng. Bài học rút ra ở đây là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kinh nghiệm & những sự am hiểu về thị trường.
Sau đây là những thứ mà tôi nghĩ là bất cứ ai khi bắt đầu kinh doanh 1 sản phẩm cũng nên làm nếu muốn hạn chế tối đa những rủi ro trong việc bán hàng Amazon của mình, khoan nói đến việc kiếm lời.
1/ NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG
Đây là một bước mà rất nhiều anh chị em bỏ qua khi quyết định đưa sản phẩm lên Amazon. Hoặc thậm chí nhiều anh chị em biết nhưng vẫn làm một cách qua loa hoặc làm không đúng cách, dẫn đến mơ hồ về dung lượng thị trường, những điểm cạnh tranh của đối thù và xác định sai chiến lược bán hàng.
Hẳn ai cũng biết hai công cụ “thần thánh” khi nghiên cứu thị trường trên Amazon là Helium 10 và Keepa. Trong khi Helium 10 cho phép anh chị em đo lường doanh số, doanh thu bán hàng của các đối thủ, các từ khoá đối thủ đang sử dụng, ranking của đối thủ,… thì Keepa cho phép chúng ta track lịch sử biến động giá & thêm bớt sản phẩm.
Vấn đề là, ANH EM CÓ THẬT SỰ BIẾT CÁCH ỨNG DỤNG HAI CÔNG CỤ NÀY MỘT CÁCH HIỆU QUẢ HAY KHÔNG?
Đối với Helium 10, biết rất nhiều anh em sẽ làm 1 trong 2, hoặc cả 2 cách sau:
1. Lên Helium 10, search từ khoá về sản phẩm, xem top doanh thu của các sản phẩm có từ khoá đó
2. Từ kết quả sau khi search từ khoá, tìm các category phù hợp, sau đó đo tốp 50 có doanh thu ra sao, ai biết sâu hơn thì tìm cả top 100 rồi cộng vào để ước tính dung lượng thị trường
Đối với Keepa: Đo lường xem giá của sản phẩm biến động ra sao theo từng mùa.
Well, cách làm đó không có gì sai. Nhưng nó chưa đủ & chưa sâu. Thông thường, để nghiên cứu thị trường một sản phẩm nào đó trên Amazon, chúng tôi sẽ làm các bước như sau:
Xác định keyword ==> Xác định ngành hàng ==> Xác định các đối thủ cạnh tranh chính ==> Phân tích doanh thu đối thủ ==> Phân tích review sản phẩm ==> Phân tích chiến lược giá của đối thủ ==> Phân tích Store của đối thủ ==> Phân tích dung lượng thị trường
Đối với các bước này, chúng tôi sẽ làm cụ thể thế này:
– Xác định keyword: Đối với bước này, anh em nào có tiếng Anh thì tự dịch ra, không có tiếng Anh thì dùng Google dịch. Tuy nhiên, không nên dừng ở bước đó mà hãy lên Google và sử dụng từ khoá của mình có được mà search, sau đó vào phần hình ảnh để xem thử kết quả có giống với sản phẩm của mình hay không. Nếu chưa đúng thì cần xem lại. Còn nếu đúng rồi thì hãy làm thêm 1 bước là Lên Amazon gõ từ khoá đó, tìm thêm các sản phẩm giống của mình hiện ra, sau đó lên Helium 10 để xem thử các từ khoá chính mà khách hàng search tìm những sản phẩm này là gì. Lúc này, bạn đã có thể xác định chính xác được từ khoá của sản phẩm. Cái này thì anh em nào làm Marketing một thời gian rồi sẽ biết, nhiều khi từ khoá mà mình nghĩ chưa chắc đã là từ khoá được khách hàng tìm kiếm nhiều.
– Xác định ngành hàng: Sau khi đã tìm đúng từ khoá, hãy search trên thanh tìm kiếm của Amazon một lần nữa. Lúc này, các sản phẩm cùng ngách của bạn sẽ hiện ra. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm có thể nằm trong những ngách tương đương nhau. Lúc này, việc bạn nên làm là hãy vào từng ngách hàng và đo lường mức độ cạnh tranh và xác định ngách hàng mà sản phẩm của mình muốn nhảy vào. Điểm này tuỳ thuộc vào tư duy và chiến lược của bạn nên sẽ không có một phương án cụ thể. Chúng tôi theo trường phái làm “vua chột xứ mù” nên hay chọn các ngách nhỏ để nhảy vào, nếu bán tốt thì sẽ leo rank tốt trong ngách đó rồi sau khi bán ổn thì có thể đổi ngách. Tuy nhiên, việc đổi ngách không hề dễ.
– Xác định đối thủ cạnh tranh chính: Tại điểm này, bạn cần xác định đúng đối thủ cạnh tranh của mình. Chúng tôi thường dựa vào các yếu tố như sau: Tính chất & chất lượng sản phẩm, độ lâu đời của listing, giá bán sản phẩm. Nhiều anh em cứ hay thích đè đầu những ông lớn nhất và cho rằng đó là “đối thủ cạnh tranh” của mình. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta cần phải thực tế một chút, chọn một người “cùng hệ” mà chơi. Tức là những listing có tính chất tương đương, giá cao hơn và thấp hơn khoảng đâu đó 10-20% nhưng bạn có lợi thế cạnh tranh rõ, và nên chọn những sản phẩm có số review tương đối chứ đừng đè đầu ông có mấy chục ngàn review mà giã.
– Phân tích doanh thu đối thủ: Đây là bước làm mà tôi nghĩ rằng phải có đến 80% anh em sử dụng Helium 10 đang thực hiện sai, nhiều anh em để ý thì có thể sẽ thấy rất khó hiểu. Có phải các bạn từng gặp những trường hợp mà trong tốp 50, thậm chí top 10 xuất hiện cùng lúc 2 hoặc nhiều hơn SKUs thuộc 1 Parent SKU không? Trong những trường hợp như vậy, anh chị em thường làm gì? Có phải thường sẽ cộng hết doanh số của cả 2 listing đó và tính luôn vào tổng doanh thu của Parent SKU hay của cả ngách không? Well, việc đó là một việc hoàn toàn sai lầm và nhiều khi sẽ khiến cho anh em đánh giá sai rất nhiều về thị trường và đối thủ. Bây giờ, anh em hãy Lên Amazon và chọn 1 sản phẩm bất kỳ mà có 2 Child SKUs trở lên và bật Xray. Khả năng rất cao là khi đo lường thì Xray sẽ xuất ra chỗ Sales có cùng số cho tất cả Child SKU/ASIN đúng không? Và revenue thì có cứ tính bằng cách lấy giá bán của SKU/ASIN đó và nhân với số Sales. Trên thực tế, số sales được Helium đo ra là tổng Sales của tất cả child SKU của sản phẩm đó. Nhưng, câu hỏi đặt ra là làm sao để có thể tính được (gần đúng) số bán của từng SKU.
Điều chúng tôi làm ở đây là giả định tỷ lệ khách hàng mua hàng và review cho các SKUs là như nhau. Tức là ví dụ tỷ lệ khách review cho Child SKU A là 10% thì tỷ lệ của các Child SKU còn lại cũng thế. Sau đó, chúng tôi vào phần review insights để xem tỷ lệ review giữa các Child SKU này. Sau đó, chúng tôi sử dụng chính tỷ lệ đó và nhân với số Sales của sản phẩm, từ đó estimate được số sales (giả định) đúng của từng Child SKU và tính ra doanh thu. Đương nhiên phương pháp này chỉ dùng để ước đoán vì ai cũng biết rằng (1) mức độ khách hàng review cho từng SKU là khác nhau và (2) thời gian từ khi nhận hàng đến khi review của các khách hàng cũng khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp này theo tôi là phương pháp tốt nhất để estimate số bán của đối thủ nhất cho đến thời điểm hiện tại. Đương nhiên nếu anh em có cách khác thì tôi rất vui được học hỏi.
– Phân tích review sản phẩm: Ở bước này, chúng tôi sẽ theo cách làm như bước 4 để xem thử mức độ yêu thích của khách hàng đối với các variation của sản phẩm đối thủ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ skim về những điều mà khách hàng thích & không thích nhằm cải tiến sản phẩm. Ví dụ, có những sản phẩm hạt điều bị khách hàng phàn nàn là Seal bị mở, hoặc có những sản phẩm tương ớt bị phàn nàn nhiều về mùi vị, thì chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo điều đó không xảy ra đối với sản phẩm của mình. Ngược lại, những điều được khen thì sẽ tìm cách để phát huy. Bước này khá quan trọng nhưng dễ bị anh chị em bỏ qua.
– Phân tích chiến lược giá của đối thủ: Tại bước này, đa số anh em chỉ dùng Keepa để đo biến động giá qua các thời kỳ của sản phẩm hoặc xem lịch sử của từng SKU. Tuy nhiên, các bạn có thể làm thêm một bước nữa là dùng bảng này kết hợp với các chỉ số trên Xray của Helium 10 để đánh giá mức độ ảnh hưởng của giá bán qua từng thời kỳ. Đồng thời, thông qua việc này và nếu mọi người phân tích kỹ thì sẽ học được rất nhiều về chiến lược stock hàng của các đối thủ/
– Phân tích Store đối thủ: Tại bước này, chúng tôi thường chọn ra 3-4 listing và phân tích thật kỹ về content, hình ảnh, A+ để xem cách thức họ mô ta sản phẩm thế nào, bao bì và đóng gói ra sao. Bước này thường được thực hiện để học hỏi ý tưởng của đối thủ cũng như tìm ra cách để khác biệt hoá sản phẩm của mình. Ví dụ: Đối thủ bán Pack 5 giá $15 thì mình có thể tách ra bán Pack 4 và Pack 6 giá $12.49 và $17.49 chẳng hạn. Ngoài ra, về mặt thiết kế và nội dung thì hoàn toàn có thể chọn ra những điểm thích hợp mà học hỏi. Đối với Store, bạn có thể vào skim và học cách triển khai về layout & banner của họ để set-up sau này.
– Phân tích dung lượng thị trường: Tôi vẫn chưa tìm ra công cụ để đo lường được hết thị trường của một ngách mà thường chỉ tính toán trong top 100. Thường thì doanh số nằm trong Top 100 cũng chiếm khoảng 60-70% dung lượng của thị trường rồi nên chắc quan tâm đến nhóm này thôi cũng đủ. Ngoài ra, bạn có thể tính toán thêm các ngách tương tự. Ví dụ: Bán tương ớt thì có thể phân tích Chili Sauce, Hot Sauce, Marina Sauce,….
2/NGHIÊN CỨU LUẬT PHÁP MỸ & POLICY CỦA AMAZON
Về mặt bản chất, bất cứ sàn thương mại điện tử hay platform nào cũng đều hoạt động dựa trên luật pháp của nước sở tại. Amazon US cũng không ngoại lệ. Việc bạn đăng ký thương hiệu, chuẩn bị các giấy tờ cần thiết,… đều được dựa trên các yêu cầu về mặt luật pháp của thị trường Mỹ. Có một vài điểm lưu ý quan trọng mà tất cả anh em đều nên biết trước khi chuẩn bị hàng hoá để bán như sau:
– Đăng ký thương hiệu & Patent: Về mặt bản chất, bạn không cần phải đăng ký thương hiệu (trademark) để bán hàng trên Amazon. Tuy nhiên, nếu bạn không đăng ký thì sẽ có rủi ro cao là khi thương hiệu của bạn nhú lên một chút là sẽ bị bên khác đi trước một bước và hớt tay trên. Đây không phải là vấn đề gì xa lại khi 2 năm trước đã có một đơn vị tại Việt Nam chuyên đi đăng ký trước thương hiệu của rất nhiều khách hàng rồi. Chi phí đăng ký thương hiệu cũng khá đa dạng, làm với một vài bên từ TQ thì khoảng 7-800$ cũng có, làm ở VN thì 1-2k$ cũng có. Điều này tuỳ thuộc vào chất lượng và độ uy tín mỗi bên nên mọi người cứ cân nhắc. Thương hiệu thì nên đặt tên tây tây một chút cho dễ đọc, tốt nhất là ngắn gọn và không dấu, cũng đừng rườm rà.
– Giấy tờ: Cái này khá đơn giản. Cứ hàng nào mà nuốt vào bụng thì phải có FDA, hàng nào có hoá chất thì phải có MSDS, hàng nào cho trẻ em chơi thì phải có chứng nhận an toàn cho trẻ em, hàng nào dễ cháy thì phải có chứng nhận không dễ bắt lửa,… Mọi người nên chuẩn bị thật kỹ các loại giấy tờ này trước khi bán, tránh một vài trường hợp đang bán thì bị ngưng luôn listing và bị đọng hàng, giải quyết cũng căng vì có những loại tét có giá 1-3k$ lận
– Policy của Amazon: Những tiêu chuẩn hoạt động của Amazon đều có hết trên trang của họ, mọi người cần đọc thật kỹ. Ở trên đó sẽ có những hướng dẫn rất chi tiết về cách thiết kế hình ảnh (background, ratio,…), cách đặt tiêu đề và viết nội dung; những yêu cầu cụ thể về cách thức bán cách loại sản phẩm, ví dụ về việc các sp ngoài lãnh thổ Mỹ thì sẽ không được bán những sản phẩm pestiside chẳng hạn,… Bằng việc nghiên cứu kỹ các điểm này, bạn sẽ hạn chế rất nhiều các rủi ro khi bán hàng. Ngoài ra, một điều quan trọng nữa là các bạn cần phải nghiên cứu thật kỹ về các điều khoản liên quan đến bao bì & đóng gói, điều mà tôi sẽ chia sẻ bên dưới.
– Các điều khoản về chi phí: Amazon có những điều khoản rất rõ ràng về chi phí lưu kho (quá 12 tháng sẽ tăng phí lưu kho lên nhiều lần), chi phí vượt stock/storage (vượt quá thể tích hàng cho phép sẽ bị phạt nặng, và chi phí rút, huỷ, thanh lý hàng. Các bạn cần phải tìm hiểu kỹ để có chiến lược stock hàng hợp lý, tránh bị phạt trong tương lai. Đã có những trường hợp các Brand ở Việt Nam bị phạt chi phí overstock & longterm Storage lên đến hơn $5000/tháng.
CHỌN SẢN PHẨM, SẢN XUẤT & ĐÓNG GÓI
Điểm này quan trọng và không phải ai cũng làm tốt. Có rất nhiều trường hợp là các anh em cứ thấy sản phẩm mình hay và ngon và cứ thế là xuất sang Mỹ. Hoặc cũng có nhiều anh em là nhà sản xuất và thấy khách hàng bên Mỹ gia công nhiều và thế rồi cũng ham hố muốn nhảy qua bán lẻ trên Amazon. Tuy nhiên, để không bị mất tiền một cách đau đớn thì các anh em nên để ý các điểm sau:
* Thứ nhất: Không phải hàng nào được xuất sang Mỹ đều được bán lên Amazon. Các sản phẩm bán trên Amazon mà muốn bán tốt thì cần đảm bảo những yếu tố nhất định về khối lượng, kích thước và giá cả. Có những sản phẩm quá cồng kềnh hoặc gía quá cao thì việc bán trên Amazon có vẻ không phải là lựa chọn khôn ngoan khi mà chi phí lưu kho và vận chuyển rất cao. Chưa kể sản phẩm giá cao thì lượt mua sẽ rất thấp. Do vậy và các đơn vị đi OEM sản phẩm có thể sẽ chọn phân phối ở thị trường khác chứ không phải Amazon. Vậy cho nên các nhà sản xuất trước khi muốn bán sản phẩm nào thì tốt nhất hãy làm bước nghiên cứu thị trường và xem sản phẩm giống mình có được bày bán không rồi hẵng quyết định tiếp. Nhiều khi người ta không bán cũng là vì có lý do riêng của họ.
* Thứ hai: Không phải sản phẩm nào được ưa chuộng tại Việt Nam cũng có thể thành công tại Mỹ. “Bán thứ khách hàng cần, không bán thứ mình có”, các anh em phải nhớ thật kỹ điều đó. Insights của người bên Mỹ khác người ở Việt, kể cả người Việt tại Mỹ cũng thế. Họ có những yêu cầu, tiêu chuẩn và “khẩu vị” riêng. Bạn không thể thấy người Mỹ qua VN thích mua áo “I love Việt Nam” rồi xuất 1000pcs Lên Amazon để bán được mà phải phân tích thật kỹ lý do họ hành động như thế. Bạn cần phải hiểu rõ sản phẩm của mình cũng như động cơ của khách hàng để tinh chỉnh sao cho phù hợp với các yêu cầu và tiêu chuẩn của họ.
* Thứ ba, hãy ưu tiên bán các sản phẩm có giá trị nhỏ nếu mới bắt đầu, thường là các sản phẩm từ 10-35$
Khi đã xác định xong sản phẩm muốn bán, một điểm quan trọng khác là bạn cần phải đóng gói sao cho phù hợp. Việc đóng gói cũng có những tiêu chuẩn riêng mà bạn phải tuân theo, ví dụ: Tên thương hiệu phải được nổi bật nhất, không được để các chứng nhận FDA, USDA,… trên bao bì (ít nhất là không được thể hiện trên hình listing trên Amazon), format về ngày sản xuất và hạn sử dụng nên được để theo format Mỹ (mm/dd/yy) nhằm tránh việc khách hiểu nhầm và Report là hàng hết hạn, phải thể hiện tên của nhà sản xuất/công ty & địa chỉ,…. Những điểm này tuy là chi tiết nhỏ nhưng nếu các bạn không chuẩn bị kỹ thì sẽ dễ có nguy cơ bị khoá listing và yêu cầu hoàn hàng. Và tin tôi đi, bạn không hề muốn hàng bị trả về chút nào
Đối với kích cỡ và khối lượng sau đóng gói, bạn hãy xem kỹ cách tính chi phí FBA để ra quyết định. Nhiều lúc chỉ lệch 1oz hoặc 1mm thôi cũng đã có sự chênh lệch rất lớn, lên đến mấy % giá bán của bạn rồi. Tuyệt đối đừng đóng gói một cách bừa bãi.
3/LẬP BẢNG PNL
Đây – một lần nữa – là một bước CỰC KỲ QUAN TRỌNG mà nhiều anh em bỏ qua. Bán hàng trên Amazon là một quá trình dài hơi và bất kể ai cũng đều phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Trên Amazon có rất nhiều loại chi phí mà nếu bạn không liệt kê ra cụ thể thì sẽ rất dễ bị lỗ nhưng cứ tưởng là lời.
* Bản PnL cần phải thiết kế một cách bài bản, rõ ràng, thể hiện được tất cả các yếu tố liên quan đến giá bán, chi phí và lợi nhuận. Ví dụ, ngoài chi phí FBA (tính theo khối lượng và kích thước) và Referral Fee (phải xem thật kỹ bảng tính Referral fee theo từng ngách hàng và giá bán. VD, các sp food dưới 15$ thì phí này chỉ 8% chẳng hạn) ra, các bạn phải tính chi phí lưu kho (tuỳ thuộc vào thời gian trung bình mà bạn dự tính sẽ bán hết hàng, mình thường để 3 tháng), chi phí quảng cáo (theo từng giai đoạn), dự trù chi phí cho Promotion, chi phí rút tiền, chi phí sản xuất,…
* Riêng đối với chi phí logistics thì các bạn cũng nên phân tách ra chi phí ship theo đường biển và đường bay. Những chi phí này thường sẽ có ước tính dựa theo khối lượng và kích thước, bạn nào cần thì tôi có thể chia sẻ File.
Bằng việc lập bảng PnL này, các bạn hoàn toàn có thể xác định được giá bạn cụ thể của sản phẩm, chi phí nên chi cho từng đầu mục qua từng thời kỳ, từ đó ước tính được lời-lỗ và đưa ra kỳ vọng cũng như mức đầu tư hợp lý. Nếu không làm kỹ chỗ này, các bạn rất dễ bị gãy.
4/ CONTENT, LISTING, QUẢNG CÁO & SHIPMENT
* Đối với việc viết nội dung, các bạn hoàn toàn có thể tham khảo các đối thủ của mình. Đồng thời cần sử dụng Helium 10 để xác định từ khoá và đưa lên Scrible để kiểm tra các yếu tố về SEO. Nói tóm gọn lại, Helium 10 là phần mềm “thần thánh” sẽ giúp bạn làm được hầu hết các đầu mục công việc trên đó, từ xác định doanh thu, ranking cho đến cào từ khoá rồi bổ sung cho việc SEO. Ngoài ra, có một điểm mà anh em rất hay bỏ qua là mục “search term”. Hãy fill đủ mục này khi listing vì nó sẽ ảnh hưởng khác nhiều đến SEO sau này. Ngoài ra, content, hình ảnh và video cần follow kỹ các điều khoản của Amazon. Ví dụ như Amazon sẽ có những từ khoá cấm (có File) hay những yêu cầu rất cụ thể đối với phần hình ảnh như background, nội dung trên hình ảnh (không hở hang, nhạy cảm…),… Các bạn cần phải đọc kỹ.
* Đối với phần listing, nếu bạn là người mới thì phải hiểu là bạn cần Apply Brand rồi mới được listing. Sau khi Apply Brand rồi, nếu bạn đã có GTIN/EAN Code thì có thể listing luôn. Còn nếu bạn không có thì bạn phải xin GTIN trên Amazon nữa. Đồng thời, bạn cần chuẩn bị đủ giấy tờ của từng category trước khi list hàng lên.
* Việc chọn Category cho listing cũng rất quan trọng vì đổi category rất khó. Bạn nên lưu ý chọn đúng.
* Nếu sản phẩm có nhiều variation, hãy chọn Variation thêm một cách kỹ lưỡng và đặt tên các Variation Name cho phù hợp vì cái này đổi CỰC KỲ KHÓ và thậm chí đổi được cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các listing về sau. Do đó, trước khi đặt tên cho các variation, hãy đánh giá kỹ về tiềm năng phát triển variation sản phẩm trong tương lai để chọn công thức đặt tên cho phù hợp. Một vài category chỉ cho phép chọn 2 variation, một vài category sẽ cho chọn 3.
* Thêm nữa, hãy học cách list sản phẩm bằng bulk upload để tiết kiệm thời gian và giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng về sau. List bằng tay sẽ rất lâu và mệt. Có những san phẩm có đến hơn 6-700 SKUs thì up tay lòi mắt
* Về phần quảng cáo, chúng tôi thường áp dụng chiến lược quảng cáo rất đa dạng. Ngoài PPC ra thì còn thực hiện các công cụ retargeting của Amazon. Ngoài quảng cáo cho sản phẩm bằng từ khoá thì sẽ có quảng cáo lên sản phẩm đối thủ, lên category hoặc chạy video. Để nói hết cái này thì sẽ rất dài nhưng tôi sẽ chỉ ra cho các bạn một vài điểm quan trọng sau:
1. Đối với Keyword targeting: Dùng Helium 10 để cào từ khoá và phân ra thành các nhóm riêng biệt, theo các tính chất như: Từ khoá trực tiếp, từ khoá gián tiếp, từ khoá của đối thủ,…. Rồi sau đó chọn loại Target phù hợp. Thường thì tôi sẽ Target Broad & phrase rồi sau đó lọc từ khoá và triển khai tiếp về phrase và exact.
2. Đối với Product Targeting: Nên chọn các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thấp hơn. Ví dụ: giá cao hơn, listing sơ sài hơn, review xấu hơn,… chứ không nên chăm chăm vào Target mấy ông lớn trừ khi bạn có tiền
3. Đối với quảng cáo Auto: Cần phân biệt được đâu là Target tới sản phẩm và đâu là Target tới search term. Tôi thường tách bạch chúng ra để chạy và cào từ khoá/ASIN. Một vài auto camp cũng rất hiệu quả nên tôi có thể giữ
4. Đối với các chiến dịch khác: Bạn cần hiểu rõ tính chất của từng loại quảng cáo trước khi quyết định chạy. Ví dụ: đối với hình thức chạy Sponsored Display thì các Strategy như Reach, Page Visit và Conversion đều có những tính chất riêng, loại Target như Contextual targeting hay Audiences cũng có những sub cat riêng. Các bạn nên tìm hiểu thật kỹ các thể loại này và đánh giá mục tiêu của quảng cáo trước khi quyết định ngân sách mà hình thức chạy, tránh chạy theo bản năng, không hiệu quả mà còn mất tiền.
5. Ngoài ra, các công cụ như Placement cũng nên được ứng dụng một cách linh hoạt. Giá thầu thì cần được đặt 1 limit và sét một cách hợp lý chứ đừng lười là áp cái suggested của Amazon mà tốn tiền. Công cụ Budget Rules cũng nên được xem xét đến khi chạy. Nói chung nói về cái này thì nói cả ngày cũng không hết nên chắc tôi sẽ có một bài riêng sau này về nó.
6. A/B testing là điều không thể không có
5/ THEO DÕI KẾT QUẢ KINH DOANH
Các bạn cần có 1 File theo dõi quá trình bán cũng như doanh thu, lợi nhuận theo từng thời kỳ. Tôi sẽ để hình bên dưới.
6/DỰ TRÙ BÁN HÀNG
Dựa vào kết quả bán hàng, hãy có chiến lược ship hàng hợp lý. Tránh bị hụt hàng cũng như tránh bị thừa hàng. Hãy tính số bán trung bình theo tuần, tháng cũng như estimate số bán trong 3-6 tháng tới dựa vào tình hình của thị trường cũng như các ngày lễ tại Mỹ và trên Amazon để stock hàng hợp lý. Càng tính toán kỹ thì bạn càng có lợi, bởi trong nhiều trường hợp vì phải ship hàng kỹ mà bạn phải đi air và tốn rất nhiều tiền chẳng hạn.
7/ MINDSET
Dài quá nên chỗ này tôi sẽ không viết nhiều nữa mà chỉ gạch đầu dòng thôi:
* Hãy dự trù là sẽ lỗ trong khoảng 6 tháng đến 1 năm, thậm chí là 2 năm
* Đừng chỉ phụ thuộc vào quảng cáo PPC, hay thậm chí là chỉ quảng cáo trên Amazon mà hãy tận dụng traffic bên ngoài. Các thương hiệu có Trademark thì có thể sử dùn Brand Referral Bonus để offer cho các affiliator hoặc tự chạy quảng cáo vì cái này có hoàn tiền
* Bán thứ khách cần, không bán thứ mình có
* Ưu tiên sự đơn giản, càng đơn giản càng tốt
* Tính thật kỹ PnL trước khi bán hàng