TIỀM THỨC VÀ VÔ THỨC TRONG NEUROMARKETING
Phương pháp này là sự kết hợp của neuroscience, marketing và công nghệ. Nhờ lăng kính của Neuromarketing, các nhãn hàng vẫn có nhiều cơ hội để len lỏi vào tiềm thức của khách hàng và trở thành lựa chọn của họ.

Một nghiên cứu về tác động của cảm xúc đối với quảng cáo của Nielsen Việt Nam cũng đã chỉ ra rằng, những thương hiệu có quảng cáo mang lại cảm xúc nổi bật có doanh thu lớn hơn 23% so với các thương hiệu còn lại.

Những con số thống kê này cho thấy tầm quan trọng của vùng tiềm thức hay những giá trị cảm xúc vô thức đóng vai trò rất lớn đối với người tiêu dùng. Vì lẽ đó, các yếu tố này cần được cân nhắc một cách nghiêm túc trong chiến lược marketing của nhãn hàng, không kể nhãn hàng mới hay nhãn hàng đã có vị trí trên thị trường.

Bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Nielsen Việt Nam chia sẻ: “Thông thường, con người sẽ bị tác động bởi những yếu tố ngoại cảnh và nội tâm. Những yếu tố tác động từ phía bên trong có thể bao gồm những nhận định trước đó, động cơ thúc đẩy, những trải nghiệm hay văn hóa.”

ÁP DỤNG NEUROMARKETING TRONG ĐIỂM CHẠM KHÁCH HÀNG
Với lăng kính của Neuromarketing, mỗi điểm chạm trong suốt hành trình khách hàng tương tác với thương hiệu đều có cách để phân tích, thấu hiểu, từ đó có những chiến lược phù hợp nhằm bước được vào vùng nhận thức của họ. Điều thú vị là, dù những yếu tố chi phối đến hành vi và việc ra quyết định đến từ vùng tiềm thức, xúc cảm và không lý giải được, nhưng lại có thể được định lượng bằng thiết bị cụ thể. Với Neuromarketing, câu chuyện này có thể được giải quyết bằng sức mạnh của công nghệ.

gia tri cua thuong hieu

Trong suốt hành trình thương hiệu tương tác với khách hàng, việc nghiên cứu, đo lường cảm xúc và phản ứng của khách hàng đều có thể được thực hiện nhằm giúp doanh nghiệp tìm ra cách tiếp cận trúng nhất với điều mà khách hàng quan tâm, từ việc chọn điểm rơi đến hình ảnh, màu sắc, thông điệp truyền thông.

NẮM BẮT CẢM XÚC KHÁCH HÀNG TRONG NEUROMARKETING
Khách hàng ra quyết định mua hàng bằng tiềm thức và xúc cảm vô thức, nhưng điều đó không có nghĩa là thiếu cơ hội cho những nhãn hàng hoặc sản phẩm mới. Bởi, trong Neuromarketing có một khoảnh khắc quý giá được gọi là delta moment – khoảnh khắc khiến khách hàng ra quyết định mua một mặt hàng cụ thể.

Delta Moment chính là thời điểm vàng để những thương hiệu mới có thể thu hút khách hàng và tạo ra những động lực thôi thúc họ hành động, từ bỏ những thói quen cũ ngay tại điểm bán.

Theo bà Đặng Thúy Hà, để có thể tạo ra và tác động đúng Delta moment của khách hàng, việc nghiên cứu để tìm ra sự thật ngầm hiểu là vô cùng quan trọng. Chính từ sự thật ngầm hiểu của khách hàng, các nhãn hàng mới có thể phát triển những chiến lược hay cách thức nhằm tác động đúng Delta moment của khách hàng. Thông thường, khách hàng không tự nói được điều gì làm họ thực sự đưa ra một quyết định mua hàng.

Bà Hà cho biết: “Trong nghiên cứu của mình Nielsen sử dụng kỹ thuật Delta Qual để khơi gợi và khuyến khích người tiêu dùng kể lại quá trình ra quyết định của họ một cách tự nhiên nhất. Từ đó có thể xác định được yếu tố thực sự khiến khách hàng đưa ra quyết định”.

Một chuyên gia marketing nổi tiếng đã từng nói: “Marketing không phải là cuộc chiến sản phẩm mà là cuộc chiến trong tâm trí khách hàng. Để thắng trong cuộc chiến này, điều chắc chắn là thương hiệu của bạn phải “bắt sóng” được khách hàng”.