PR là một từ được viết tắt từ tiếng Anh. PR viết đầy đủ là Public Relations. Nếu dịch từ PR qua tiếng Việt thì từ PR có nghĩa là quan hệ công chúng. Từ PR theo lý thuyết marketing là một kênh truyền thông giúp tạo mối quan hệ bền chặt giữa công ty và cộng đồng.
Lý thuyết học thuật từ PR đa phần du nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên với điều kiện Việt Nam, PR nhiều khi được hiểu sai và họ tưởng lầm sang hình thức quảng cáo hoặc bán hàng trực tiếp. Do đó hiểu PR có nghĩa là quảng cáo thì hoàn toàn toàn sai lầm nhé.
Khi dạy ở Đại Học, có vài giảng viên trong trường hỏi mình: “PR là gì vậy bạn?”; có nhiều sinh viên tò mò về môn này. Trong quá trình đi làm, trước khi mình thật sự nghiên cứu – tìm hiểu & đầu tư nhiều thời gian để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên, thì mình cũng thật sự mơ hồ về nó – cái người mang tên PR.
Nếu bạn chuẩn bị tham gia 1 cuộc họp quan trọng với đối tác mới, địa điểm họp là văn phòng của chính họ, bạn đến sớm hơn thời gian hẹn họp, bạn đứng “tám” với cô gái lễ tân, khen quầy lễ tân của cô ấy thật chỉnh chu, lọ hoa này đẹp quá… & nhanh chóng bạn thiết lập được mối quan hệ với cô lễ tân. Đó là PR – quan hệ với đối tác (partner relationship) – và kết quả của hành động “quan hệ công chúng” này là bạn sẽ biết được thêm thông tin về người sếp mà bạn sắp sửa gặp mặt, có thể về tính tình, sở thích hoặc những thông tin nào bạn quan tâm.
Vào một buổi trưa nào đó, bạn mời team đi ăn chung, để trò chuyện với họ, để “update” thông tin hành lang hoặc để biết ai đang yêu ai, đó chính là PR – quan hệ với nhân viên (internal communications – employee relationship).
Chúng ta thường chỉ tập trung vào những hành động có lợi tức thì, nhưng ít chú ý đến những cái lợi ở tương lai để mà tập trung xây dựng – gìn giữ & vun đắp mối quan hệ với “công chúng”.
Mình đã từng bị leo cây trong vài cuộc hẹn với các bạn trẻ – có người báo trước 1 ngày, có người đến cận giờ hẹn thì báo, có người thì đã trễ hẹn mới báo… Mình cho rằng, tại thời điểm đó họ có những lựa chọn “xây dựng hoặc gìn giữ mối quan hệ ưu tiên khác” hơn với mình. Và mình không giận, nhưng từ đó mình e dè hơn khi họ đặt thêm 1 cuộc hẹn thứ 2. Công chúng cũng vậy, nếu bạn thất hứa với họ 1 lần, họ sẽ bắt đầu nghi ngờ bạn.
Hãy nghĩ Quan hệ công chúng như là Tình Yêu. Nó cần được quan tâm, nuôi dưỡng. Nếu lơ là, nó sẽ nhanh chóng héo úa, giống như những cặp vợ chồng lâu năm – họ bắt đầu thờ ơ với nhau, họ không thấy cần “thắt chặt” thêm mối quan hệ nữa. Và từ đó họ dễ dàng đánh mất nhau.