1- Hãy coi email là một kênh truyền thông, và nội dung mail sẽ gửi là vật phẩm truyền thông. Dưới quan điểm đó, không nên mua danh sách địa chỉ mail “hầm bà lằng”, mà chỉ nên mua những danh sách mail của những người có chung một mối quan tâm.

2- Tất nhiên, cách tốt nhất để có danh sách email “hiệu quả” là tự thu thập bằng cách cho người dùng đăng ký vào list mail trên tinh thần tự nguyện. Dựa trên việc cung cấp cho họ những giá trị hữu dụng. Thí dụ như nhập mail để download phần mềm, ebook, nhận tin khuyến mãi, đọc bài chuyên sâu (như mình đã đang làm)…

3- Gửi các nội dung định kì “có chất lượng” qua email vào những khoảng thời gian cố định trong tuần/tháng. Thí dụ bài viết mỗi ngày, tin khuyến mãi mỗi tuần, bản tin tổng hợp (tạp chí điện tử) trong tháng, giá vé khuyến mại vào chiều thứ 6 hàng tuần… Các nội dung định kì này tạo thói quen mở email từ phía người sử dụng một cách “tự nhiên”.

4- Nếu nội dung bạn gửi qua email mà người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm từ nguồn khác (website của bạn chẳng hạn) thì không nên gửi. Hãy cho họ thấy “đặc quyền đặc lợi” mà chỉ khi đăng ký vào mailling list mới được cung cấp. Thí dụ bài viết độc quyền, cơ hội mua hàng khuyến mãi giảm 50% (website chỉ giảm 30%)…

khởi nghiệp mới

5- Nếu tài chính hạn hẹp, không thể mang tới các quà tặng có giá trị thật cho người đăng ký, hãy tìm kiếm đối tác cần quảng bá mà họ chưa có kênh, đồng thời hướng tới tập khách hàng bạn đang sở hữu để đề nghị hợp tác. Họ cung cấp quà, bạn chia sẻ kênh truyền thông, người đăng ký của bạn hưởng lợi. Mô hình hợp tác của Jetstar với Lazada hay Megastar với ANZ là thí dụ điển hình (mua vé Jetstar được tặng voucher 500K của Lazada; mua 2 vé Mega thanh toán bằng thẻ ANZ được tặng thêm 1 vé).

6- Hãy cho người đăng ký thấy họ được hưởng lợi thật chứ không phải đang bị lừa bịp hay dụ dỗ bằng cách chỉ rõ “đặc quyền đặc lợi” mà chúng ta mang tới. Thí dụ, tặng phiếu mua hàng trị giá 100K, 200K… thay vì giảm 10%, giảm 20%… Nếu không, hãy ghi chú rõ, chương trình này chỉ áp dụng cho chủ sở hữu email, không áp dụng đại trà. Hoặc nói rõ, chương trình trên web đang giảm 20%, chỉ người nhận email được giảm 40%.

7- Hãy nhớ, email marketing có thể cá nhân hoá tới từng người, vì vậy hãy làm cho người nhận thấy mọi thứ trở nên thân thiện. Thí dụ, hãy “Chào bạn Nguyễn Ngọc Long Blackmoon” thay vì “Chào các bạn/Chào anh chị”. Hoặc giả tạo ra một mã giảm giá mã hoá riêng theo địa chỉ email…

8- Đừng nói những câu chuyện của “binh đoàn robot”, hãy cá nhân hoá từ phía bạn để email tràn đầy cảm xúc. Bạn nghĩ sao khi nhận được email từ CEO của một trong các mạng xã hội lớn nhất thế giới, nói rằng “Long thân mến, cách đây 2 năm, tôi và Elisa (nay là vợ tôi) khi đang tận hưởng kì nghỉ ở Hawai thì cô ấy nói rằng giá như có một cách thức nào đó để có thể ghi chú lại những sở thích hàng ngày… “. CEO của Pinterest đã làm email marketing như vậy đó, nhân dịp MXH này tròn 2 tuổi.

9- Đừng gửi một email toàn hình ảnh, vì hầu hết các trình duyệt mail thông dụng sẽ không tự động cho hiển thị.

10- Smartphone và tablet đang dần thay thế desktop và laptop. Hãy thiết kế layout email có thể hiển thị tốt ngay cả ở các loại màn hình kích thước nhỏ.

11- Luôn có phiên bản thuần text đi kèm phiên bản HTML sặc sỡ và đầy bảng biểu.

các loại thông điệp email marketing phổ biến

12- Hãy tự tạo 5-7 địa chỉ email của cá nhân bạn ở các dịch vụ mail thông dụng (gmail, yahoo, live, msn…) và tự đăng ký vào mailling list, gán cho nó vào nhóm “test”. Trước mỗi campaign, hãy gửi riêng cho nhóm “test” để đảm bảo mọi thứ đúng như kỳ vọng trước khi gửi hàng loạt ra ngoài.

13- Đăng ký vào mailling list của những trang web hàng đầu thế giới để vừa học cách làm email marketing của họ, vừa để xem công cụ mà họ sử dụng là gì. Một trong các công cụ được “tin dùng” của các ông lớn này là: mailChimp, mailermailer, iContact, VerticalResponse, ConstanContact, aWeber, FeedMailPro, emailIt… Cá nhân mình thấy mailChimp rất đơn giản và dễ tiếp cận cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.