PHẦN 1: CHỈ SỐ HAY KHÔNG CHỈ SỐ?
Có hai kiểu nói chuyện về tình hình kinh doanh làm tôi cảm thấy vô cùng ngại.
Kiểu 1:
Là người làm kinh doanh nhưng các anh/chị ấy thuần túy làm theo cảm tính, không quan tâm tới bất kỳ điều gì mang tính nền tảng, hay con số thống kê chỉ chăm chú vào doanh số và lãi. Kiểu nói chuyện cảm tính đó thường dẫn tới việc phân vai, ai đang có vẻ kiếm tiền nhiều, lãi lớn hơn sẽ chiếm ưu thế hơn. Người còn lại, do nhãn tiền có doanh số thấp lãi chưa thấy đâu nên ngồi im để nghe đàn anh chỉ bảo. Lý do cho việc thành công hay thất bại của hai người chỉ xoay quanh nếu thành công: do mình giỏi, nếu thất bại: do mình không may, hoặc do một lỗi tới từ nguồn khác không phải mình, chứ có phải mình không tính trước đâu? Về tổng thể là cuộc gặp chả có gì chốt lại ngoài việc trong lần này ai hơn! Và hồi hộp đợi tình thế xem nó có xoay chuyển vào lần sau hay không!
Kiểu 2:
Là các anh/chị từ liên doanh ra, nhưng hình như chưa va với thực tế phải tự đi làm, sẽ hỏi người đối diện những câu về chỉ số vô cùng phức tạp. Tôi từng gặp một vài anh/chị như vậy, có lẽ cách đây hơn 10 năm khi tôi còn làm trong môi trường chuyên nghiệp thì tôi sẽ nhớ và biết đich xác họ hỏi gì. Nhưng giờ này thì thú thật tới từ viết tắt của chỉ số đó tôi còn quên nữa là khái niệm và nội dung của nó. Trong liên doanh khi chúng tôi làm việc thì tiền hô hậu ủng, đủ các ban ngành chẳng thiếu gì, từ logistics tới marketing, từ kế toán tới nhân sự,..
Là Sales manager, tôi chỉ việc nhìn về phía trước và làm đúng chuyên môn hẹp của mình, nên các chỉ số ngày càng sâu và phức tạp. Tuy nhiên, đã ra ngoài, chịu thân phận bị phán xét trước quần chúng, “được thì làm vua, thua thì làm giặc”, chúng tôi chỉ biết dùng những gì nhanh và tiện nhất. Lúc ấy thì làm gì còn chỗ cho việc áp dụng các chuyên môn hẹp nói trên? Câu chuyện giữa hai người dừng ở đó, vì người đặt câu hỏi thấy rằng người kia chả hiểu gì, còn người kia thì có muốn cũng không thể nói cho người đặt câu hỏi hiểu cái chỉ số anh ấy hỏi chả để làm gì trong môi trường chiến đấu solo không có hỗ trợ.
Chả ai đúng hay sai hoàn toàn, nhưng tôi theo thuyết của cụ Khổng, cứ Trung dung là được. Nếu đã là salesman đúng nghĩa thì khi trở thành doanh chủ, anh/chị sẽ vẫn có thói quen giản dị là nói cùng ngôn ngữ của người đối thoại để mỗi cuộc gặp trở nên một dịp cả hai người học hỏi chiêm nghiệm kinh nghiệm của người khác.