“Tại sao gần hai mươi năm, chúng ta vẫn chỉ làm Oshin? Đi xuất khẩu phần mềm làm Oshin đã đành, ngay trên đất nước mình mà vẫn không thoát cảnh làm thuê? Tại sao chúng ta không làm tổng thầu các dự án lớn cỡ nhiều chục triệu USD dù đủ năng lực?” Đấy là những câu hỏi được đặt ra trong hội nghị chiến lược FPT được tổ chức cuối năm 2006 mà người khai hỏa là anh Nguyễn Thành Nam.

Chúng tôi đã từng nếm vị đắng, vị cay, vị chát, vị mặn, vị tủi của thân phận thầu phụ, thân phận Oshin cho các tổng thầu nước ngoài ở Việt Nam: giá cả thì thấp, công việc không chủ động, còn bị cấm gặp khách hàng, gặp người dùng cuối, dù đấy có là khách hàng truyền thống của mình cả chục năm.

Trong một dự án World Bank ở Việt Nam, chúng tôi bỏ giá 13 triệu USD, hai nhà thầu nước ngoài đều bỏ giá 17 triệu USD, giải pháp kỹ thuật và sản phẩm tương đương nhau, giá rẻ hơn 4 triệu USD thế nhưng chúng ta vẫn phải cay đắng nhìn họ thắng thầu, lý do đơn giản về kinh nghiệm chúng ta chưa có ba hợp đồng có giá trị tương đương.

Tiền của chính phủ Việt Nam, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm như nhau, trình độ triển khai như nhau, chỉ vì nếp nghĩ cũ mà 4 triệu USD rơi vào túi nhà thầu nước ngoài một cách đau xót.

Trong nhiều năm, chúng ta cả chủ đầu tư lẫn các công ty công nghệ thông tin Việt Nam đều đã quen với nếp nghĩ rằng người Việt Nam chỉ làm được những dự án bé, nếu là giải pháp phần mềm thì giới hạn tối đa là 1 triệu USD, những dự án lớn hơn phải là nhà thầu nước ngoài, Việt Nam cùng lắm chỉ làm thầu phụ.

Thái độ tự ti con nhà nghèo đã hằn sâu vào nếp nghĩ của chúng ta, chưa có ai đặt một câu hỏi ngược lại tại sao chúng ta phải mang thân phận làm Oshin? Chúng ta có làm tổng thầu được không?

Một tối chớm đông đầu năm 2007, trong buổi lễ cảm tạ khách hàng (Thanking Party), chúng tôi phát biểu trước toàn bộ khách hàng chiến lược: “Cảm ơn các quí vị đã tin tưởng, đã hỗ trợ, đã lựa chọn chúng tôi là thầu phụ cho dự án công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, nhưng bây giờ chúng tôi không muốn chỉ làm thầu phụ, chúng tôi muốn làm tổng thầu, tổng thầu các dự án lớn cỡ vài chục triệu USD. Làm tổng thầu không phải chỉ thuần túy là khát vọng của FPT, mà là khát vọng vươn tới của Việt Nam. Chỉ khi được làm tổng thầu ở Việt Nam, thì mới có cơ hội làm tổng thầu các dự án lớn trong khu vực. Chúng tôi cam kết sẽ đổi mới, sẽ thay đổi, sẽ nâng tầm mình lên để đủ năng lực làm tổng thầu”.

Nói như vậy nhưng chúng tôi biết rằng con đường trở thành tổng thầu còn dài, còn lắm chông gai, nhưng thật may mắn, trong số những vị khách quý dự lễ hôm ấy đã có một số người chia sẻ khát vọng của chúng tôi và chính nhờ những chia sẻ ấy mà sau này, khi cơ hội đến, phương án FPT làm tổng thầu đã được chấp thuận.

Đúng hai năm, kể từ ngày khát vọng tổng thầu được được đặt ra, việc làm tổng thầu dự án CNTT lớn của FPT đã thành hiện thực, chúng tôi đã giành được hợp đồng tổng thầu một hệ thống CNTT lớn nhất Việt Nam trị giá 30 triệu USD từ nguồn vốn ngân sách thông qua đấu thầu quốc tế công khai, minh bạch.

Muốn ngành CNTT Việt nam phát triển, chỉ có cách chúng ta không dừng lại ở vai trò Oshin. Chúng ta phải làm tổng thầu, trước mắt là ở Việt Nam, sau đó là vươn ra khu vực, vươn ra thế giới. Chúng ta hoàn toàn tự tin rằng chỉ cần làm tổng thầu 3 dự án cỡ vài chục triệu USD ở Việt Nam, trong vòng hai năm tới, chúng ta sẽ hoàn toàn đủ tư cách và hoàn toàn tự tin tham dự các cuộc đấu thầu lớn trong khu vực Asean, Nam Á với tư cách tổng thầu.
thế giới di động

Đây là những dòng chữ tôi đã viết cách đây đúng 6 năm (Ngày 27/10/2008). Những mong ước ấy nay đã thành hiện thực, FPT chúng tôi đã đủ năng lực, kinh nghiệm để tham dự với tư cách tổng thầu các thầu CNTT lớn cỡ 30, 40, 50, 70, 100 triệu USD ở thị trường Asean, Nam Á và châu Phi và thực tế đã thắng nhiều thầu lớn ở Singapore, Philippines, Cambodia, Laos, Myanmar, Bangladesh…

Nếu năm 2006 chúng tôi không dám đặt giấc mơ làm tổng thầu, nhất định không chịu thân phận làm thuê, làm Oshin thì có lẽ bây giờ chúng tôi không có cái tâm thế một công ty CNTT lớn ở khu vực Asean, Nam Á, không nhận được sự nể trọng của các khách hàng đối tác ở các nước mà chúng tôi đặt chân đến.

Trong lĩnh vực thiết kế chúng ta có KTS Võ Trọng Nghĩa không chỉ giành nhiều giải thưởng quốc tế về thiết kế mà còn giành nhiều hợp đồng thiết kế các công trình lớn ở nước ngoài.

Trong lĩnh vực thiết kế và thi công nội thất chúng ta có công ty AA Decor đã giành được nhiều hợp đồng thiết kế và thi công nội thất cho các khách sạn 5 sao: Accor, Sofitel, Ritz Cartton… không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Cambodia, Bhutan, India, Trung Đông, Âu, Mỹ…

Như thế vẫn còn quá ít, tôi có mong muốn rằng các doanh nghiệp Giao thông, Cầu đường, Xây dựng, Lắp máy Việt Nam… cũng đặt khát vọng thiết kế, thi công những sân bay quốc tế lớn, những cây cầu lớn, những cao ốc cao 72, 81 tầng, những nhà máy lớn… trước mắt là ở Việt Nam sau là vươn ra biển lớn.

Cứ đi ra biển lớn làm ăn chứ không phải “cưỡi ngựa xem hoa”, bạn sẽ có góc nhìn cởi mở hơn, rộng lớn hơn, nhân văn hơn với những vấn đề của đất nước.

Nguồn Đỗ Cao Bảo