Tôi, một người đã tìm đến nghề SEO vào năm 2010, năm mà thuật ngữ SEO chỉ vừa mới xuất hiện tại Việt Nam. Trải qua nhiều thời gian nghiên cứu và học tập theo các sư phụ thời bấy giờ, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, vui, buồn, gặp hàng trăm các SEOer, nghe đầy tai những lời tự sự của các bạn, ngẫm nghĩ và tôi thấy có trách nhiệm khi mình ở góc độ một nhà đào tạo, một nhà quản lý, một SEOer để chia sẻ thật rõ ràng một số thông tin cho các bạn:

NGHỀ SEO LÀ GÌ? NÓ GIÚP GÌ CHO CHÚNG TA VÀ DOANH NGHIỆP?
Công việc SEO là tối ưu hoá website cho các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo, Bing, Cốc Cốc,… SEO – viết tắt tiếng Anh của thuật ngữ Search Engine Optimization, là công việc đã phổ biến khá lâu trên thế giới. Ở Việt Nam do thị trường Internet mới phát triển nên trong năm 2010, một số người làm trong ngành CNTT mới nghiên cứu và làm SEO; đến năm 2012, 2013, nó mới được các doanh nghiệp chú trọng để hỗ trợ cho việc phát triển kinh doanh và thương hiệu của mình.

Định nghĩa đơn giản cho dễ hiểu: SEO là cách thức để đưa trang web lên vị trí cao trên các công cụ tìm kiếm như Google hay người ta thường gọi là TOP 10, TOP 5, TOP 3, TOP 1. SEO sẽ giúp dẫn dắt khách hàng tiềm năng vào website với các từ khóa về sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp để tìm hiểu thông tin, chọn lựa và mua hàng.

Rất nhiều doanh nghiệp bỏ chi phí để thuê các đơn vị làm SEO, hoặc tuyển SEOer, hoặc tự đi học về làm và họ đã đạt được rất nhiều thành tựu. Khách hàng của họ đã gia tăng từ 20%, 30%, có doanh nghiệp tăng đến 100%, có doanh nghiệp chỉ tập trung chọn SEO làm công cụ dẫn khách hàng vào web và chốt đơn hàng.

Với sức mạnh vượt trội của SEO thì hàng ngàn, hàng triệu doanh nghiệp đã chọn SEO làm 1 kênh Marketing. Ban đầu là họ thuê, sau đó vì sự phát triển lâu dài và thấy được sự thay đổi lớn cho doanh nghiệp khi làm SEO, họ đã tự đi học về để thực hành hoặc tuyển riêng người làm SEO, có công ty thành lập riêng 1 phòng Marketing Online mà trong đó đội ngũ SEO là đông đảo nhất.

NGHỀ SEO LÊN NGÔI VÀ CHƯA BAO GIỜ HẾT HOT!

Hàng ngày tôi đi gặp rất nhiều chủ doanh nghiệp, khi họ biết tôi làm trong lĩnh vực Internet Marketing, làm SEO, câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất vẫn là: “Em có, chị có, bạn có ai làm Online, Internet Marketing, làm SEO không, giới thiệu chị, anh, em, bạn đi!!!”

Do đặc thù công việc giảng dạy của trung tâm, nên hàng ngày tôi nhận được vô số lời hỏi thăm: “Chị ơi, có bạn làm SEO nào không, giới thiệu mình với???”

Và tôi cũng nhận được rất nhiều email đề nghị tuyển dụng và giới thiệu SEOer cho doanh nghiệp hoặc các shop.

Trong lớp học SEO: lớp nào tôi cũng gởi thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp cho các bạn học viên SEO, nhưng đáp lại gần như kết quả nhận được thông tin nộp đơn rất ít vì đa phần trong lớp là các bạn được công ty cử đi học hoặc là đi học về rồi tự làm cho mình.

Thậm chí các công ty làm trong lĩnh vực Digital Marketing, SEO, thông báo tuyển SEOer hàng ngày, nhưng kết quả vẫn là sự thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng.

Và dạo quanh các thông báo tuyển dụng việc làm, bạn chỉ cần vào các trang tuyển dụng, hoặc gõ các từ khóa “việc làm SEO”, “tuyển dụng SEOer”, sẽ thấy có hàng ngàn thông tin đăng tuyển mỗi tháng.

Nếu bạn trẻ có một đam mê, một mong muốn tìm một công việc liên quan đến máy vi tính, bạn có thể đang học đại học, hoặc bạn có thể vì 1 số điều kiện mà không đi học đại học được, hoặc bạn có thể có một công việc rồi mà không thích nữa, muốn tìm một công việc khác, thì nghề SEO là 1 nghề mà bạn cần phải lưu tâm.

checklist cho SEO website

CÔNG VIỆC CỦA MỘT SEOER LÀ GÌ?

Đầu tiên bạn phải bắt tay vào việc phân tích website, cấu trúc, phân tích từ khóa.
Phân tích các trang web của các doanh nghiệp khác trong cùng ngành nghề, cùng phân khúc.
Tối ưu lại cấu trúc website, cấu trúc trang web,…
Viết bài, đăng bài để làm Landing Page và bài viết để hỗ trợ SEO.
Xây dựng các mô hình liên kết.
Và các công việc khác …
Quan trọng nhất là không ngừng học hỏi, đặc biệt là tự mình làm SEO và thử nghiệm các cách riêng để rút ra kinh nghiệm, trải nghiệm các thủ thuật mới. Bạn sẽ tự mình khám phá ra nhiều điều ở SEO và nhận thấy SEO là một nghề thực sự hấp dẫn.

MỨC LƯƠNG CỦA MỘT SEOER?
Chắc chắn là không thể thấp hơn 1 nhân viên văn phòng được, không thể thấp hơn một quản trị web… Cũng như bao nghề khác, mức lương cho một vị trí phụ thuộc vào khả năng và kinh nghiệm, theo sự khảo sát của trung tâm dựa vào các doanh nghiệp đang tuyển dụng thì có kết luận sau:

Mức lương cho một SEOer học việc từ 2-3 triệu/ tháng
Mức lương cho một SEOer mới vào nghề tầm 4 triệu/ tháng.
Mức lương cho một SEOer thành thạo từ 5 triệu/ tháng, có thể đến 7, 8 triệu tùy theo quy mô công ty và khả năng cá nhân.
Mức lương của một SEO Manager từ 7 triệu đến 15 triệu là có khả năng.

TƯƠNG LAI NÀO CHO 1 SEOER?
Khi bạn học SEO, làm SEO, bạn đã là một SEOer hoặc có thể là một quản lý đội ngũ SEO. Khi đó không ai trong chúng ta muốn đứng yên một chỗ, ngồi yên 1 vị trí, ai cũng muốn thăng tiến, nâng cấp bản thân, vậy làm SEO xong rồi tôi làm gì tiếp theo? Có người nói nghề SEO là bước đệm tốt nhất để các bạn bước vào làm Online Marketing, lời nói đó cũng không phải là không có lý vì:

SEO là 1 công cụ trong bức tranh Internet Marketing, bạn làm SEO là bạn đang làm 1 phần trong công việc Internet Marketing.
Khi bạn làm SEO, bạn bắt buộc phải phối hợp với rất nhiều nhân sự khác trong Marketing, bạn dần dần phải tự nâng cấp cho mình các kiến thức sâu về sản phẩm, dịch vụ và kiến thức Marketing, đặc biệt là Online Marketing để phối hợp.
>90% các bạn đang làm nghề SEO sẽ có xu hướng học tập, nghiên cứu thêm các công cụ Online Marketing khác như quảng cáo Google, Facebook, Zalo, Email, Youtube và từ từ hoàn thiện các kỹ năng cũng như kiến thức trong Online Marketing để trở thành một chuyên viên Internet Marketing.
Doanh nghiệp nào mà không cần Marketing? Doanh nghiệp nào mà không muốn có nhiều thật nhiều khách hàng? Trong thời đại hội nhập kinh tế thế giới, Marketing trên Internet là một con đường bắt buộc các doanh nghiệp phải đi nếu không muốn tụt hậu. Như Bill Gates đã nói “Nếu doanh nghiệp không làm Online marketing đồng nghĩa là không làm gì cả”.

Nói đến đây các bạn đã có được bức tranh và con đường của mình rồi đúng không?