Hai cái tít của hai bài viết về khởi nghiệp trên cùng một tờ báo, nhưng khác số, đã đem lại cho tôi hai cảm xúc trái ngược.
Cái tít của số báo trước ghi: “KHƠI GỢI TÌNH THẦN QUỐC GIA KHỞI NGHIỆP”, gây cảm giác khuyến khích cả nước (quốc gia) cùng khởi nghiệp, làm tôi lo lắng vì tin rằng con đường khởi nghiệp chỉ dành cho những người có tố chất đặc biệt chứ không phải dành cho tất cả mọi người. Ai cũng khởi nghiệp thì lấy ai làm công?
Cái tít của số báo sau ghi: “CẦN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ KHỞI NGHIỆP”, có thêm chữ “về”, lại tạo cho tôi một cảm giác an tâm hơn. Đúng là rất cần có một chương trình ở tầm quốc gia để hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp chứ không phải chỉ có hô hào mọi người khởi nghiệp, để rồi hầu hết sẽ thất bại. Chương trình quốc gia này cũng nên cảnh báo cho những bạn trẻ khác, nếu không hội đủ các yếu tố cần thiết thì… chớ nên hăng hái chạy theo “phong trào” khởi nghiệp, mà hãy chăm lo cho công việc hay nghề nghiệp hiện tại của mình.
Như tôi đã nói, khởi nghiệp “ra riêng” không là con đường duy nhất để gây dựng sự nghiệp; cũng như bằng cấp không phải là yếu tố duy nhất quyết định tương lai của một người. Khởi nghiệp càng không phải là con đường chỉ có hoa hồng. 90% số người khởi nghiệp thất bại (tôi tin con số thực tế ở VN còn cao hơn). Vì vậy, không phải ai cũng có thể khởi nghiệp.
Con đường khởi nghiệp chỉ dành cho những người có tố chất đặc biệt, tôi tạm gọi là “tố chất doanh nhân” (quyết tâm cao, khát vọng lớn, kiên trì, bền chí, bãn lĩnh, đam mê, sáng tạo, dám mạo hiểm…); và những tố chất đó thôi vẫn là chưa đủ, mà phải cộng thêm nhiều yếu tố khác về thị trường, vốn liếng, bạn đồng hành, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý …
Hãy làm gì để giúp các doanh nghiệp, dù là mới “khởi” hay đang vướng “nghiệp”, đừng sớm chết yểu hay phải chết mòn mới là quan trọng! Đó mới là sứ mệnh cao cả của các “chương trình quốc gia”!