Ở Sài Gòn có một tiệm may. Chủ tiệm đồng thời là thợ cả rất có tiếng tăm hành nghề từ trước 1975. Bác chuyên may suite và quần áo nam. Tôi thích sơ mi đẹp. Nghe danh của bác qua người bạn giới thiệu tôi đến thử liền.

Cửa tiệm bác nho nhỏ trong ngõ. Đơn giản và hơi tuyềnh toàng. Tôi đặt may 02 cái sơ mi. Giá đắt. Không vấn đề. Thương hiệu nổi tiếng mà. Bác nói hơi nhiều nhưng rất xởi lởi và thái độ ân cần dễ chịu. Tôi hồi hộp chờ ngày đến thử. Vì đã thử may thử mua nhiều nhưng thấy thật khó để có được chiếc sơ mi đẹp như ý mình.

Ngày đó đã đến. Bác xởi lởi ướm thử và giới thiệu rất nhiều về đường kim mũi chỉ. Nhưng hai chiếc áo bác may cho tôi khác xa những gì tôi mong được thấy. Cổ áo thô, khi cúc vào để đeo cà vạt có cảm giác thít chặt khó chịu. Tay áo khi xắn lên bị căng chật. Và tổng thể phom áo mặc vào không có cảm giác fit vào body. Tôi cảm ơn bác. Ra về và không quay lại lấy áo nữa (trước đó tôi đã trả hết tiền).

The Bandwagon Effect

Bác đã tạo ra câu chuyện khá thu hút về huyền thoại kéo vàng. Bác tay nghề giỏi, & có tuổi nghề đủ lâu để có câu chuyện của mình. Có thể phong cách may của bác chỉ phù hợp với nhóm khách hàng nhất định. Vì có thể nhiều khách hàng chẳng quá khó tính và không có gu rõ ràng như thế nào là đẹp. Tên tuổi thương hiệu là yếu tố đủ để thu hút họ đến.

Đối với nhiều ngành hàng, nhóm khách hàng “trung tính” này có lẽ khá đông. Đây là nhóm có hành vi mua hàng “vì thương hiệu” hơn là “vì sản phẩm”. Trong tâm lý học hành vi, nhóm này chịu ảnh hưởng của Bandwagon effect (tâm lý đám đông).

Còn đối với tôi, sản phẩm có trước thương hiệu có sau. Tôi chưa bao giờ thay đổi quan điểm này.

Nguồn Mr. BrandSon