Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển vô cùng sôi động trong những năm gần đây cùng với mức độ sở hữu các thiết bị truy cập internet (smart phone, laptop, tablet) ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt đã khai sinh ra một xu hướng người mua sắm mới: xu hướng mua sắm đa kênh (omni channel shopping).
Theo báo cáo Xu Hướng Người Mua Hàng 2017 của Nielsen, có nhiều sự khác biệt giữa người mua hàng truyền thống và người mua hàng đa kênh và điều này mở ra nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất lẫn nhà bán lẻ.
Sự khác biệt đầu tiên được nhìn thấy trong báo cáo lần này là cơ hội phá vỡ việc mua hàng theo kế hoạch/quán tính. Báo cáo chỉ ra rằng 82% người mua hàng truyền thống thường xuyên mua hàng theo kế hoạch. Điều này sẽ trở thành cản trở cho các thương hiệu hay nhà bán lẻ có thể lôi kéo được người tiêu dùng mới cho mình.
Tuy nhiên, hơn một nửa người mua đa kênh sẽ so sánh các thương hiệu khác nhau (52%) hoặc sẽ kiểm tra chất lượng hay uy tín của thương hiệu (63%) trước khi quyết định mua hàng.
Tiếp đến đó là sự khác biệt về mục tiêu của những chuyến/lần mua hàng. Báo cáo cho thấy với người mua hàng truyền thống, 30% đi mua hàng vì nhu cầu hàng ngày, 24% vì muốn tận hưởng việc mua sắm, 19% muốn mua hàng dự trữ số lượng lớn và chỉ có 6% người Việt đi mua hàng do muốn tận dụng các chương trình khuyến mãi.
Ngược lại, với người mua hàng đa kênh, có đến 57% quyết định mua sắm do các chương trình khuyến mãi, 45% vì nhu cầu hàng ngày, 44% muốn mua hàng dự trữ số lượng lớn và 35% mua hàng vì những dịp đặc biệt.